Chính thức khai trương Hệ thống cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 cấp, đổi giấy phép kinh doanh vận tải; cấp, đổi biển hiệu, phù hiệu xe ô tô

Sáng 25/11, Bộ GTVT đã chính thức khai trương Hệ thống cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 cấp, đổi giấy phép kinh doanh vận tải; cấp, đổi biển hiệu, phù hiệu xe ô tô. Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường đã tới dự và bấm nút chính thức khai trương Hệ thống.

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, lãnh đạo Trung tâm CNTT, Vụ Vận tải, Tổng cục ĐBVN và đại diện Văn phòng Chính phủ nhấn nút chính thức khai trương Hệ thống

Hệ thống cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 cấp, đổi giấy phép kinh doanh vận tải; cấp, đổi biển hiệu, phù hiệu xe ô tô được Bộ GTVT được triển khai lần này gồm 10 dịch vụ công trực tuyến cấp 4 chia làm 3 nhóm: Nhóm cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (Cấp GPKD vận tải bằng xe ô tô đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; Cấp GPKD vận tải bằng xe ô tô đối với hoanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trường hợp thay đổi nội dung trên giấy phép; Cấp GPKD vận tải bằng xe ô tô đối với hoanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trường hợp giấy phép hết hạn; Cấp GPKD vận tải bằng xe ô tô đối với hoanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trường hợp giấy phép mất mát hoặc hư hỏng); Nhóm Cấp biển hiệu (Cấp biển hiệu cho xe ô tô vận tải khách du lịch; Cấp lại biển hiệu cho xe ô tô vận tải khách du lịch) và Nhóm Cấp phù hiệu (Cấp phù hiệu xe ô tô nhóm “Kinh doanh vận tải hành khách”: xe chạy tuyến cố định, xe hợp đồng, xe buýt, xe taxi; Cấp phù hiệu xe ô tô nhóm “kinh doanh vận tải hàng hóa“: xe công ten nơ, xe tải; Cấp phù hiệu xe nội bộ; Cấp phù hiệu xe trung chuyển).

Hệ thống cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 cấp, đổi giấy phép kinh doanh vận tải; cấp, đổi biển hiệu, phù hiệu xe ô tô do Trung tâm CNTT – Bộ GTVT đề xuất mô hình và phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Bộ xây dựng, triển khai. Trung tâm đã tổ chức tập huấn cho cán bộ chuyên viên các Sở GTVT, thử nghiệm tại 5 Sở GTVT Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ đồng thời tiến hành chỉnh sửa để đảm bảo Hệ thống thuận lợi nhất cho người dân/ doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý.

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường biểu dương Trung tâm CNTT và các cơ quan liên quan

Hệ thống cung  cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 cấp, đổi giấy phép kinh doanh vận tải; cấp, đổi biển hiệu, phù hiệu xe được đưa vào sử dụng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cả cơ quan quản lý nhà nước lẫn người dân và doanh nghiệp. Theo đó, người dân/doanh nghiệp sẽ không còn phải trực tiếp đến cơ quan quản lý để thực hiện việc cấp, đổi giấy phép kinh doanh vận tải; cấp, đổi biển hiệu, phù hiệu xe ô tô mà chỉ cần thực hiện các thủ tục này tại nhà/văn phòng doanh nghiệp thông qua kết nối internet. Trong quá trình thực hiện các thủ tục người dân/doanh nghiệp sẽ sử dụng tài khoản được cấp (miễn phí) để giao dịch với cơ quan quản lý. Thông qua tài khoản này, người dân/doanh nghiệp có thể nắm rõ thông tin về quá trình giải quyết thủ tục hành chính (thông báo khi cơ quan thụ lý tiếp nhận hồ sơ; thông báo khi chuyển cán bộ chuyên trách thụ lý; thông báo kết quả quá trình thẩm định hồ sơ; thông báo khi hồ sơ thiếu, sai; thông báo có kết quả và nộp phí; … ), đồng thời cho phép người dân/doanh nghiệp lựa chọn hình thức Nộp hồ sơ, Đóng phí và Nhận kết quả như: nộp qua bưu điện, nộp trực tuyến; Đóng phí trực tuyến, trực tiếp tại cơ quan cấp phép; Nhận kết quả trực tuyến, nhận kết quả tại nhà qua đường bưu điện. Bên cạnh đó, hệ thống cũng sẽ giúp rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính, nâng cao hiểu biết pháp luật: được cập nhật những quy định mới nhất về quy trình thực hiện thủ tục hành chính; Tra cứu các quy định khác liên quan  cũng như tạo thói quen giao dịch điện tử cho người dân, doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước.

Đối với cơ quan quản lý, Hệ thống sẽ giúp việc quản lý cấp phép vận tải xe ô tô tập trung và thống nhất toàn quốc, đồng thời chia sẻ dữ liệu tốt hơn giữa các cơ quan quản lý với nhau (giữa Sở GTVT với Sở GTVT, giữa Sở GTVT với Tổng cục Đường bộ Việt Nam); Khai thác hiệu quả tài nguyên hệ thống công nghệ thông tin hiện có bằng việc kết nối liên thông với các hệ thống: Hệ thống thiết bị giám sát hành trình của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Hệ thống cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của Cục Đăng kiểm Việt Nam giúp tăng quá trình xử lý hồ sơ; Giảm thiểu công văn trao đổi giữa các cơ quan quản lý trong quá trình xử lý thủ tục hành chính qua đó giảm tổng thời gian giải quyết thủ tục hành chính.

Thay mặt lãnh đạo Trung tâm CNTT, ông Phạm Duy Ninh – Giám đốc Trung tâm đã giới thiệu khai quát về mục tiêu, yêu cầu, chức năng cũng như kế hoạch triển khai hệ thống tại các Sở GTVT. Nhân dịp này, ông Phạm Duy Ninh cũng bày tỏ sự cảm ơn tới lãnh đạo Bộ và các cơ quan liên quan đã chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ với Trung tâm trong quá trình xây dựng và triển khai Hệ thống.

Giám đốc Trung tâm CNTT Phạm Duy Ninh phát biểu

Phát biểu tại buổi Lễ, thay mặt lãnh đạo Bộ, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường vui mừng biểu dương và đánh giá cao nỗ lực của Trung tâm CNTT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã triển khai thực hiện xây dựng hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 cấp, đổi giấy phép kinh doanh vận tải; cấp, đổi biển hiệu phù hiệu xe ô tô.

Thứ trưởng yêu cầu, Trung tâm CNTT tiếp tục hoàn thiện công nghệ tạo sự thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp cũng như triển khai rộng rãi tại 63 Sở GTVT trong năm 2017, thường xuyên kịp thời cập nhật chỉnh sửa hệ thống phù hợp với sự thay đổi của các văn bản quy phạm pháp luật, không để vì có sự thay đổi của các văn bản pháp luật mà ảnh hưởng đến sự hoạt động của hệ thống. Bên cạnh đó, Trung tâm CNTT cũng cần tiếp tục phối hợp với các đơn vị của Bộ để xây dựng thêm các dịch vụ công khác trong mọi lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ tạo sự thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp.Thứ trưởng cũng đề nghị Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam phối hợp tuyên truyền để mọi doanh nghiệp, chủ xe sớm biết và sử dụng hệ thống.

Trả lời