PetroNews- ‘Cần thiết sẽ tẩy chay hãng xe không giảm giá vé’ và “Nếu cần, điều cả xe lãnh đạo chở dân về quê ăn tết!’ đó là thông điệp mạnh mẽ mà Bộ trưởng GTVT phát đi trong những ngày qua, trước việc các hãng xe không chịu giảm giá cước vận tải hoặc giảm một cách “nhỏ giọt” trong dịp Tết Nguyên đán 2017 cận kề.
Trước đó, theo chỉ đạo của Thủ tướng đối với liên ngành Tài chính- GTVT, lãnh đạo nhiều địa phương đã lên tiếng sẽ kiểm tra và xử phạt nghiêm những hãng xe không giảm giá cước vận tải. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, ngay cả khi đã công bố danh sách nhưng doanh nghiệp chưa giảm giá cước như ở TP.HCM, thì cũng chưa có bất cứ quyết định xử phạt nào được công bố.
Có cơ sở pháp lý để xử phạt?
Hiện nay, cơ sở pháp lý để kiểm soát hoạt động quản lý, điều tiết giá hiện này là Luật Giá và các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành. Cơ sở để xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá là Nghị định 109/2013/NĐ-CP ngày 24 tháng 9 năm 2013 của Chính phủ. Ngoài ra để kiểm soát hành vi thoả thuận, ấn định giá còn bị điều chỉnh bởi Luật Cạnh tranh.
Theo các luật nói trên, trong trường hợp này, chế tài xử phạt chỉ có thể áp dụng cho các hành vi liên quan đến: ‘Kê khai giá’, ‘Niêm yết giá’, ‘Bình ổn giá’, ‘Lập phương án giá’, ‘Thoả thuận ấn định giá cước’… đối với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải.
Với hành vi liên quan đến ‘Kê khai giá’, ‘Niêm yết giá’, ‘Lập phương án giá’ … sẽ bị xử phạt theo Nghị định 109/2013/NĐ-CP, tuy nhiên theo nghị định này thì các cơ quan chức năng sẽ khó chứng minh hành vi “không giảm giá cước” tại thời điểm hiện tại là hành vi vi phạm về ‘Kê khai giá’, ‘Niêm yết giá’ hay ‘Lập phương án giá’ …
Bởi, các hành vi này chỉ bị xử phạt khi có ‘Hành vi kê khai giá sai so với mẫu văn bản kê khai giá đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định’; ‘Không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ tại địa điểm phải niêm yết giá theo quy định của pháp luật hoặc Niêm yết giá không đúng quy định, không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng.’; và ‘Hành vi lập phương án giá hàng hóa, dịch vụ không đúng với hướng dẫn về phương pháp định giá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.’.
Thực tế, trước các chỉ đạo và áp lực dư luận, các cơ quan chức năng ở địa phương vẫn yêu cầu các doanh nghiệp phải kê khai lại giá cước vận tải.
Tuy nhiên theo luật, cụ thể là Thông tư 152/2014/TTLT-BTC-BGTVT ngày 15/10/2014 hướng dẫn thực hiện giá cước vận tải bằng xe ô tô quy định thời điểm kê khai lại giá được thực hiện khi đơn vị điều chỉnh tăng, giảm vượt mức 3% so với mức giá đã kê khai liền kề trước đó do các yếu tố hình thành giá thay đổi.
Trường hợp tổng điều chỉnh tăng, giảm giá trong phạm vi 3% so với mức giá đã kê khai liền kề trước đó, đơn vị không phải thực hiện kê khai lại, nhưng phải gửi thông báo bằng văn bản về mức giá điều chỉnh cho cơ quan tiếp nhận văn bản kê khai giá trước khi áp dụng giá mới.
Nhưng hiện tại lại chưa có quy định nào buộc doanh nghiệp phải điều chỉnh tăng, giảm giá cước vận tải, khi doanh nghiệp không tự giác thực hiện tại.
Với ‘Bình ổn giá’, giá cước vận tải lại không thuộc danh mục hàng hoá, dịch vụ thực hiện bình ổn giá. Vì vậy, sẽ không có công cụ pháp lý để điều hoà giá cước vận tải, được cho là “lệch pha” so với giá xăng dầu đang giảm mạnh.
Cách đây hơn một năm, ngày 01/12/2014 Bộ GTVT có văn bản số 15159/BGTVT-VT gửi Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất Chính phủ cho phép sửa đổi, bổ sung Nghị định số 177/2013/NĐ-CP với nội dung đề nghị bổ sung giá cước vận tải theo tuyến cố định, xe buýt, taxi và vận tải hàng hoá vào danh mục bình ổn giá và tất cả các loại giá cước vận tải bằng xe ô tô đều bắt buộc kê khai (hiện nay chỉ quy định giá cước vận tải hành khách theo tuyến cố định và taxi là danh mục bắt buộc phải kê khai).
Không hiểu vì sao, đề xuất này chưa được thực hiện (?!)
Có vi phạm Luật Cạnh tranh?
Theo Luật Cạnh tranh, ‘Thoả thuận ấn định giá hàng hoá, dịch vụ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp’ được xem là một ‘Thoả thuận hạn chế cạnh tranh’. Thoả thuận này sẽ bị cấm khi các bên tham gia thoả thuận có thị phần kết hợp trên thị trường liên quan từ 30% trở lên (Điều 9 Luật Cạnh tranh).
Như vậy, để có căn cứ chứng minh các hãng xe “bắt tay” với nhau ‘Thoả thuận ấn định giá’ thì các cơ quan chức năng phải xác định được trên thị trường liên quan là vận tải, các hãng xe có thị phần kết hợp phải từ 30% trở lên.
Để tính toán ra con số thị phần cụ thể thì phải có cuộc điều tra, thống kê. Còn ở góc độ người dân, không cần tính toán họ cũng thấy được hãng xe nào đang chiếm thị phần lớn trên thị trường. Ví dụ, nói đến taxi họ sẽ nói ngày Mai Linh, Vinasun, nói đến xe khách, họ cũng sẽ nhắc đến Mai Linh cùng với Phương Trang, Thành Bưởi …
đến Vận Tải Bắc Nam, Vận Tải Các Miền họ cũng nhắc đến Công Ty Vận Tải Phượng Hoàng