Cục CSGT: Tranh cãi về đèn vàng là chưa hiểu luật

Trao đổi với Zing.vn, đại diện Cục cảnh sát giao thông nói nhiều người không hiểu chính xác các quy định của pháp luật về tín hiệu đèn giao thông, nhất là hành vi vượt đèn vàng.

Một ngày sau khi Nghị định 46 có hiệu lực, trong đó tăng nặng mức xử phạt với hành vi vượt đèn vàng với ôtô lên 2 triệu đồng, xe máy là 400.000 đồng, thượng tá Nguyễn Quang Nhật – Trưởng phòng tuyên truyền Cục CSGT (Bộ Công an) đã có cuộc trao đổi với Zing.vn về những ý kiến còn trái chiều.

Theo thượng tá Nhật, trước khi Nghị định 46 có hiệu lực, qua theo dõi, ông thấy một số thông tin đang hiểu không chính xác các quy định của pháp luật về tín hiệu của đèn giao thông, nhất là hành vi vượt đèn vàng.

Cuc CSGT: Tranh cai ve den vang la chua hieu luat hinh anh 1
Thượng tá Nguyễn Quang Nhật. Ảnh: Hoàng Lam. 

‘Việc phạt vượt đèn vàng là quy định không mới’

– Ngày đầu xử phạt vượt đèn vàng theo Nghị định 46, Cục CSGT nhận được ý kiến đồng tình, ủng hộ hay phản đối từ người vi phạm giao thông?

– Đến nay, việc tổng hợp các ý kiến từ các địa phương chưa đầy đủ. Tuy nhiên, qua ghi thực tế trong ngày đầu áp dụng xử phạt các lỗi về không chấp hành tín hiệu đèn giao thông theo Nghị định 46, cảnh sát đều giải thích rõ vi phạm cho người tham gia giao thông. Người điều khiển mắc lỗi này đều thừa nhận vi phạm của mình.

– Ở nhiều nước trên thế giới hiện nay, việc thổi phạt vượt đèn vàng được áp dụng khác nhau. Có những nước phạt nặng tay, một số nước lại cho qua dễ dàng. Góc nhìn của ông về sự khác biệt đó ra sao?

– Quy tắc giao thông và tín hiệu đèn đã tồn tại lâu trên thế giới, tuân thủ Công ước giao thông năm 1968, được tất cả các quốc gia áp dụng. Tuy nhiên, luật pháp áp dụng mỗi quốc gia có khác nhau, nhưng về cơ bản đèn vàng phải dừng lại trước vạch dừng.

Các giao lộ được coi là nơi nguy hiểm, do đó việc tổ chức, thiết kế đèn tín hiệu giao thông là để đi lại có trật tự, tránh rủi ro ở các tuyến đường giao nhau.

Nhiều người nghĩ rằng, nếu dừng đèn vàng sẽ bị xe đi sau đâm phải là không đúng. Luật Giao thông đường bộ quy định, khi đến nơi giao nhau, người điều khiển phương tiện phải giảm tốc độ. Khi lưu thông trên đường, người điều khiển xe phải giữ tốc độ và khoảng cách đảm bảo an toàn (trừ những nơi có biển báo hiệu quy định về tốc độ, khoảng cách).

Tôi khẳng định lại, việc phạt vượt đèn vàng là quy định không mới, đã được áp dụng lâu rồi. Luật giao thông đường bộ hiện hành có hiệu lực năm 2008 nhưng đã kế thừa hàng loạt các quy định của pháp luật trước đó và các quy tắc giao thông có từ thời Pháp thuộc.

Đèn vàng nhiều người hiểu là chuẩn bị dừng cũng đúng, nhưng thực tế nó được quy định là dừng lại trước vạch dừng. Người điều khiển phương tiện cần hiểu rằng: đèn xanh không đi, đèn đỏ hay vàng vẫn cố vượt đều vi phạm.

– Có ý kiến cho rằng tại các ngã tư, đi kèm đèn vàng cần có đồng hồ đếm ngược, như vậy khi xử phạt sẽ rõ ràng. Tuy nhiên, hiện nay trên nhiều tuyến phố không có, vậy việc xử phạt có được khách quan và làm sao để minh bạch?

– Tại nhiều điểm giao nhau chưa có đồng hồ đếm ngược cũng không ảnh hưởng gì, bởi lẽ theo quy định, người điều khiển phương tiện khi đến giao lộ phải chú ý quan sát đèn tín hiệu, vạch kẻ đường, biển báo hiệu và các phương tiện đang lưu thông khác để đảm bảo an toàn.

Người tham gia giao thông phải tự ý thức được rằng, những nơi mà các tuyến đường đồng mức giao nhau là nơi nguy hiểm.

Người điều khiển phương tiện là người đã được học luật, vượt qua sát hạch mới đủ điều kiện để điều khiển xe. Tất cả các quy định này đều nằm trong nội dung được đào tạo trong quá trình sát hạch trước khi lái xe. Trừ trường hợp người điều khiển phương tiện chưa học luật, mua bằng lái hoặc sử dụng bằng giả mới là người chưa nắm được các quy định này.

Cuc CSGT: Tranh cai ve den vang la chua hieu luat hinh anh 2
Theo lãnh đạo Phòng cảnh sát giao thông (PC67 – Công an Hà Nội), Nghị định 46 tăng chế tài xử phạt hành chính về vi phạm giao thông đường bộ nhằm hạn chế các lỗi vi phạm mà nhiều người dân chủ quan mắc phải do mức xử phạt cũ thấp. Ảnh: Anh Tuấn.

Đèn vàng cố đi sẽ gặp nguy cơ tai nạn cao

– Cũng có ý kiến cho rằng nên bỏ đèn vàng nếu việc xử phạt như đèn đỏ, hoặc thêm đèn tím để biết sắp có đèn vàng, hay chỉ cần một đèn đỏ (tắt thì chạy, bật thì dừng). Ý kiến của ông thế nào?

– Những cái gì đã là quy ước quốc tế, thông lệ như các quy định về giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không… thì chúng ta phải theo, như vậy mới hòa nhập với thế giới. Đây là những thành tựu khoa học được đúc kết từ rất lâu rồi, nhằm đảm bảo an toàn hơn cho người tham gia giao thông.

Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định, người tham gia giao thông phải chấp hành biển báo, hiệu lệnh của đèn tín hiệu, người chỉ huy giao thông, vạch kẻ đường. Theo đó, đèn xanh được đi, đèn đỏ cấm đi và đèn vàng phải dừng lại trước vạch kẻ ngang (trừ trường hợp đi qua vạch trước khi đèn chuyển vàng thì phương tiện được đi tiếp). Với trường hợp đèn vàng nhấp nháy liên tục, phương tiện được phép đi tiếp nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát và nhường đường cho người đi bộ.

– Mức xử phạt vượt đèn đỏ và vàng như nhau, liệu có trái luật giao thông đường bộ?

Không có gì là trái cả. Thực tế, Nghị định 46 không hề mới so với các nghị định hay quy định bổ sung trước đây, bởi nó là sự kế thừa những quy tắc, công ước của quốc tế. Chỉ có những điểm mới về mức xử phạt thì người dân cần cập nhật, tìm hiểu.

Ngoài ra, cần phải hiểu việc không chấp hành hiệu lệnh của bất kỳ loại đèn tín hiệu giao thông nào đều nguy hiểm. Ví dụ, đèn xanh mà dừng lại khi các phương tiện khác đang di chuyển sẽ gây ách tắc giao thông (trừ trường hợp bất khả kháng như hỏng xe); đèn vàng hay đỏ nhưng cố đi sẽ gặp nguy hiểm, nguy cơ tai nạn cao.

Nếu CSGT nhận thấy các phương tiện đã qua vạch trước khi đèn chuyển tín hiệu từ xanh sang vàng, mà có thể xảy ra xung đột với các phương tiện khác, sẽ yêu cầu dừng lại. Lúc này, người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh của cảnh sát.

Trả lời