Doanh nghiệp vận tải “cầu cứu” Chính phủ

Theo các doanh nghiệp vận tải TPHCM, việc Bộ Giao thông vận tải yêu cầu cải tạo xe tổ hợp đầu kéo sơ mi rơ-moóc (SMRM) là bất hợp lý vì nó vừa gây mất an toàn giao thông, vừa khiến doanh nghiệp lãng phí hàng ngàn tỷ đồng để đầu tư xe mới. Do đó, hàng chục doanh nghiệp đã ký đơn đề nghị Chính phủ dừng quy định này.

Theo nhiều doanh nghiệp vận tải, quy định của Bộ về cải tạo SMRM là không phù hợp với thực tế, gây khó khăn, tăng chi phí cho doanh nghiệp, lãng phí cả ngàn tỷ đồng. Việc liên tục thay đổi quy định về SMRM, khiến doanh nghiệp phải chạy theo chính sách, đổi mới phương tiện liên tục, gây khó khăn và tốn kém.

Xe container vận chuyển hàng hóa trên xa lộ Hà Nội (ảnh Lê Nhiên)
Xe container vận chuyển hàng hóa trên xa lộ Hà Nội (ảnh Lê Nhiên)

Điều vô lý là quy định mới ban hành buộc các phương tiện SMRM cũ phải điều chỉnh mà ngay cả các SMRM được đầu tư mới hoàn toàn cũng phải điều chỉnh, cải tạo lại mới đủ điều kiện để chở container có trọng lượng theo tiêu chuẩn quốc tế. Nhiều SMRM cải tạo xong theo quy định nhưng không sử dụng được, hoặc sử dụng được nhưng không bảo đảm an toàn giao thông như chưa điều chỉnh, cải tạo.

Nguyên nhân là sau khi điều chỉnh cụm trục bánh xe lùi ra phía sau, SMRM khi ôm cua gây khó khăn cho người điều khiển phương tiện, nhất là khi phương tiện này di chuyển trên đường đèo dốc, vào kho hàng, nguy cơ dẫn đến tai nạn giao thông rất cao.

Thực tế trên dẫn đến hệ quả là 3.465 chiếc SMRM loại 2 trục và hàng trăm SMRM loại 20 feet đang lưu thông trên thị trường vô hình chung bị loại bỏ “thành phế liệu” do không đủ tải trọng để vận chuyển container tiêu chuẩn quốc tế như trước đây.

SMRM cải tạo nhưng không sử dụng được và gần như thành phế liệu
SMRM cải tạo nhưng không sử dụng được và gần như thành phế liệu

Theo các doanh nghiệp vận tải, điều đáng tiếc nữa là do quy định của Bộ Giao thông vận tải thay đổi quá đột ngột nên các nhà sản xuất SMRM trong nước không đáp ứng kịp, doanh nghiệp phải nhập khẩu hàng ngàn thiết bị SMRM (mà chủ yếu từ Trung Quốc) thay thế cho SMRM 3 trục và 2 trục. Điều này gây lãng phí rất lớn cho các doanh nghiệp (tạm tính 3.465 loại SMRM 2 trục bị loại bỏ thành phế liệu, mỗi SMRM trị giá 300 triệu đồng thì lãng phí hơn 1 nghìn tỷ đồng).

Trước thực trạng trên, Bộ GTVT đã 2 lần gia hạn thời gian cải tạo SMRM và lùi thời hạn xử phạt tải trọng trục xe để tạo điều kiện cho doanh nghiệp cải tạo phương tiện. Đến nay, sau 2 năm tiến hành cải tạo, điều chỉnh phương tiện, thời gian gia hạn lần thứ hai cũng sắp hết và thời hạn áp dụng xử phạt tải trọng trục bắt đầu từ 1/1/2017 nhưng vẫn chưa tìm được giải pháp phù hợp để cải tạo, điều chỉnh SMRM loại 40 feet chở container 20 feet theo tiêu chuẩn.

Luật sư Thái Văn Chung – Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa TPHCM, cho biết, gần 20 doanh nghiệp đã đồng ký đơn kiến nghị Bộ Giao thông vận tải nên dừng việc cải tạo SMRM, đồng thời thay đổi cách tính tải trọng áp dụng cho tổ hợp xe đầu kéo SMRM để vừa bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động.

“Gần đến ngày xử phạt mà phương án cuối cùng để tìm giải pháp phù hợp cho việc cải tạo SMRM vẫn chưa đạt được, nên chúng tôi đề xuất dừng, tính lại, quy định lại đối với việc cải tạo tải trọng xe tổ hợp, đặc biệt là xe tổ hợp chở container. Đề nghị Chính phủ ra Nghị quyết dừng chương trình xử phạt tải trọng trục từ 1/1/2017”, luật sư Chung nói.

Nguồn dantri.com.vn

Trả lời