Vận chuyển hàng hóa đường bộ Bắc Nam là hoạt động đóng quan trọng trong ngành logistics tại Việt Nam. Tuy nhiên, hầu hết Doanh nghiệp Công ty vận tải Bắc Nam hiện nay đều có quy mô vừa và nhỏ, thiếu nguồn lực và hệ thống quản lý chưa hoàn thiện. Điều đó sẽ ảnh hưởng đến sự tăng trưởng lâu dài đồng thời gây bất lợi cho doanh nghiệp khi thị trường logistics có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài.
Làm thế nào để năng cao sức cạnh tranh, giúp doanh nghiệp đứng vững và phát triển trong thời kỳ này? Hãy cùng Phượng Hoàng đi tìm câu trả lời ở bài viết dưới đây nhé.
Thực trạng thị trường vận tải Bắc Nam
Tiềm năng của thị trường vận tải Bắc Nam
Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường tiềm năng để phát triển ngành logistics, trong đó có dịch vụ vận tải hàng hóa Bắc Nam với mức tăng trưởng hàng năm hai con số (>10%/năm). Nhiều chuyên gia nhận định rằng, mức tăng trưởng này có thể khoảng 14 – 16% trong những năm tới. Bởi vì:
- Việt Nam hiện đang có tốc độ tăng trưởng ở mức cao của thế giới, đặc biệt hoạt động sản xuất hàng hóa xuất khẩu những năm gần đây đang có xu hướng tăng nhờ hội nhập kinh tế toàn cầu và việc ký kết thành công Hiệp định thương mại tự do EVFTA.
- Ảnh hưởng của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung và đại dịch Covid khiến nhiều tập đoàn đa quốc gia và Trung Quốc có ý định chuyển dời nhà máy sang khu vực Đông Nam Á, trong đó Việt Nam là điểm đến đầu tiên được cân nhắc. Đó sẽ là cơ hội lớn để phát triển công nghiệp và dịch vụ hỗ trợ như vận tải hàng hóa.
- Việt Nam có vị trí thuận lợi để xây dựng các trung tâm trung chuyển của khu vực Đông Nam Á.
- Cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, kho bãi, chính sách nhà nước…đang dần được cải thiện giúp rút ngắn thời gian luân chuyển và chi phí vận tải cho doanh nghiệp.
- Ngoài nhu cầu tiêu dùng tăng cao, ngành công nghiệp Việt Nam cũng đang phát triển theo hướng chuyên môn hóa. Do đó, sự luân chuyển hàng hóa giữa các ngành, khu công nghiệp tăng lên để đáp ứng nhu cầu của hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Các yếu tố ảnh hưởng đến kinh doanh của doanh nghiệp vận tải Bắc Nam
Hoạt động vận tải chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố từ khách quan đến chủ quan. Các yếu tố đó sẽ tác động đến doanh thu, lợi nhuận và hoạt động của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải. Trong đó 5 yếu tố cơ bản ảnh hưởng trực tiếp và nhiều nhất bao gồm:
-
Chất lượng nguồn nhân lực và quản trị doanh nghiệp
Nguồn nhân lực và năng lực quản trị được xem là yếu tố hàng đầu của mỗi doanh nghiệp chứ không chỉ riêng doanh nghiệp vận tải. Bởi vì nó ảnh hưởng đến năng suất hoạt động lẫn chất lượng dịch vụ. Thực tế cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp vận tải có đội ngũ lao động trình độ thấp và không được đào tạo bài bản gây khó khăn cho việc xây dựng quy trình, mất nhiều thời gian để đáp ứng cho những thay đổi trong và ngoài doanh nghiệp.
Thực tế cho thấy, nguồn nhân lực của ngành kho vận của Việt Nam cơ bản còn thiếu và khá yếu với trên 90% người lao động trong ngành chưa được đào tạo bài bản. Trong khi đó, hầu hết các doanh nghiệp đều hoạt động chủ yếu dựa vào kinh nghiệm của người lãnh đạo mà chưa có đội ngũ chuyên viên giỏi đủ năng lực vận hành hoạt động một cách chuyên nghiệp, linh hoạt.
-
Giá nhiên liệu
Sự thiếu ổn định của giá dầu cũng là yếu tố ảnh hưởng khá nhiều đến hoạt động của doanh nghiệp vận tải Bắc Nam. Bởi vì nó tác động trực tiếp đến giá cước vận chuyển hàng hóa và lợi nhuận của doanh nghiệp. Chiếm 30-35% chi phí vận tải, việc thay đổi, tăng giá nhiên liệu sẽ khiến doanh nghiệp vận tải khó kiểm soát được chi phí, thậm chí phải gánh chịu rủi ro. Đồng thời, nhiều doanh nghiệp vận tải cũng mất đi sức cạnh tranh khi không thể đưa ra những cam kết ổn định giá lâu dài cho khách hàng lớn.
-
Tình hình kinh tế vĩ mô
Sự phát triển của nền kinh tế, cơ cấu ngành, sự dịch chuyển của nền kinh tế cũng tác động không nhỏ đến doanh thu của các doanh nghiệp vận tải hàng hóa. Thực tế cho thấy, sự chuyên môn hóa sản xuất đã khiến cơ cấu ngành vận tải có những thay đổi lớn, 50-60% doanh nghiệp sử dụng dịch vụ vận tải thuê ngoài đã đem đến nhu cầu và nguồn doanh thu lớn cho các công ty cung cấp dịch vụ vận tải hàng hóa.
-
Cơ sở hạ tầng và thủ tục hành chính
Mặc dù đã được đầu tư và phát triển trong những năm gần đây nhưng cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ Việt Nam vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu phát triển của ngành vận tải hàng hóa. Ngoài một số tuyến quốc lộ, các đường nội khu hoặc trong thành phố chưa được chú trọng mở rộng gây bất lợi cho việc giao nhận tận nơi buộc các doanh nghiệp phải sử dụng nhiều xe trung chuyển. Đó cũng là một trong những nguyên nhân gây tắc nghẽn giao thông dẫn tới việc giao hàng chậm trễ và chi phí vận tải tăng.
Ngoài ra, các thể chế, chính sách với lĩnh vực kho vận vẫn chưa được đồng bộ và tồn tại nhiều bất cập và chồng chéo gây bất lợi cho các nhà vận chuyển lẫn khách hàng. Đặc biệt, tình trạng quan liêu và các khoản phí, phụ phí đường bộ quá cao khiến cước phí vận tải cũng tăng lên, là rào cản khiến các doanh nghiệp khó cạnh tranh về giá.
-
Sự phát triển của cách mạng công nghệ
Sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đã tác động một cách toàn diện lên nền kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam. Sự phát triển của thương mại điện tử góp một phần không nhỏ vào sự phát triển của ngành vận tải hàng hóa. Nhờ nó, hoạt động vận tải cũng trở nên linh hoạt và hiệu quả hơn, tiết kiệm chi phí hơn.
Ứng dụng công nghệ thông tin vào quy trình quản lý là xu hướng tất yếu nhằm nâng cao hiệu suất hoạt động của các doanh nghiệp vận tải Bắc Nam. Thế nhưng, hầu hết doanh nghiệp kinh doanh vận tải ở Việt Nam chưa nhận thức hết được tầm quan trọng của nó. Hoặc do những hạn chế về trình độ nguồn nhân lực, năng lực quản lý và nguồn vốn mà nhiều doanh nghiệp chưa thể đầu tư cho hạng mục này.
Giải pháp nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp vận tải Bắc Nam
Việt Nam hiện có khoảng trên 4.000 doanh nghiệp vận tải và logistics, thế nhưng hơn 80% trong đó là doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ. Có một nghịch lý được chỉ ra là, số lượng doanh nghiệp liên doanh và nước ngoài chỉ chiếm 12% tổng số doanh nghiệp ngành kho vận nhưng lại chiếm 70 – 80% thị phần (Theo Vietnam Report). Điều đó cho thấy sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ đang rất thấp. Do đó, nếu muốn phát triển và đứng vững trên thị trường cạnh tranh ngày càng cao này thì trước mắt, các doanh nghiệp vận tải Bắc Nam cần thực hiện một số giải pháp sau:
Tối ưu chi phí vận tải và kho vận để giảm cước phí
Mặc dù chỉ số phát triển cao nhưng Việt Nam được đánh giá là một trong những nước có chi phí ngành vận tải cao trong khu vực Đông Nam Á và thế giới (khoảng 21%). Điều đó không chỉ giảm đi mức độ cạnh tranh của doanh nghiệp vận tải mà còn của các các doanh nghiệp sản xuất, đặc biệt là cơ sở sản xuất hàng xuất khẩu.
Một trong những nguyên nhân khiến chi phí vận tải cao nằm ở chính doanh nghiệp như chi phí kho vận, khấu hao tài sản, phương tiện cao, đội ngũ nhân viên yếu kém gây thiệt hại về phương tiện, hàng hóa…Trong khi đó, các doanh nghiệp vận tải ở Việt Nam hiện nay chủ yếu cạnh tranh về giá. Việc chi phí vận tải cao sẽ khiến doanh nghiệp mất đi lợi thế cạnh tranh tốt nhất.
Do đó, các doanh nghiệp vận tải hàng hóa Bắc Nam cần nghiên cứu, tìm kiếm các giải pháp tiết kiệm chi phí, hướng đến giảm cước vận tải để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp mình.
Nâng cao năng lực quản lý và trình độ nguồn nhân lực
Dễ dàng nhận thấy, trình độ nhân lực và năng lực quản lý là nhược điểm chung của hầu hết các doanh nghiệp vận tải Bắc Nam. Nguyên nhân một phần là do thiếu chương trình đào tạo chính thức và chuyên nghiệp, nhiều nhân sự của ngành chưa được đào tạo chuyên nghiệp. Mặt khác, lượng nhân sự thiếu hụt khiến nhiều doanh nghiệp không thể đặt yêu cầu tuyển dụng đầu vào quá cao hay có thời gian để đào tạo chuyên môn.
Tuy nhiên, khi hiệp định thương mại tự do có hiệu lực, sự tham gia của các tập đoàn đa quốc gia cũng đặt ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp vận tải. Trình độ nhân lực yếu kém có thể trở thành rào cản để doanh nghiệp vận tải tiếp xúc với khách hàng lớn hoặc bị đào thải trong cuộc cạnh tranh với các công ty vận tải có vốn đầu tư nước ngoài.
Do đó, các doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa Bắc Nam cần chú trọng đến việc nâng cao trình độ nguồn nhân lực và năng lực quản lý ngay từ bây giờ bằng cách kết hợp các chương trình đào tạo của các cơ sở chính thức, của Hiệp hội và nội bộ. Đặc biệt, cần tập trung vào việc nâng cao trình độ ngoại ngữ và công nghệ thông tin và năng lực đàm phán, xử lý tranh chấp để đáp ứng nhu cầu phát triển trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.
Mở rộng quy mô của doanh nghiệp
Việt Nam hiện có hàng ngàn doanh nghiệp vận tải hàng hóa nhưng khoảng 70% trong số đó là doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ. Số lượng doanh nghiệp có quy mô vốn trên 1.000 tỷ đồng chỉ 7%, chủ yếu là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, thực trạng phương tiện kém chất lượng cũng là vấn đề phổ biến với khoảng 95% xe tải có thời gian sử dụng trên 5 năm, trong đó 31% đã sử dụng trên 8 năm. Nhiều doanh nghiệp vận tải có quy mô rất nhỏ với số lượng xe chỉ 5 chiếc.
Điều đó ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng dịch vụ, đặc biệt là việc giao hàng chậm trễ hoặc hư hỏng hàng hóa do sự cố xảy ra với phương tiện, hoặc quy mô không đáp ứng được nhu cầu vận chuyển lớn. Đây cũng là rào cản khiến các doanh nghiệp không thể giảm giá cước hay nhận được các đơn hàng từ khách hàng có nhu cầu lớn để tạo sự bứt phá về doanh thu.
Do đó, để phát triển lâu dài, các doanh nghiệp vận tải cần tính đến phương án mở rộng quy mô bằng cách hiện đại hóa đội xe hoặc tham gia vào hợp tác xã của các doanh nghiệp mạnh và hiệp hội vận tải để tập hợp các nguồn lực, khai thác đơn hàng quy mô lớn.
Phát triển các dịch vụ giá trị gia tăng
Hầu hết là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hoạt động kinh doanh vận tải của các doanh nghiệp này còn thiếu sự chuyên nghiệp, chủ yếu cung cấp các dịch vụ cơ bản hoặc đơn lẻ. Nhiều doanh nghiệp chỉ đóng vai trò là thầu phụ cho các công ty lớn nên lợi nhuận thấp và thiếu sự linh hoạt trong việc khai thác các dịch vụ giá trị gia tăng như kho vận, bảo hiểm hàng hóa, bảo lãnh thanh toán…
Trong khi đó, nhu cầu của khách hàng ngày càng đa dạng, yêu cầu đối với chất lượng dịch vụ cũng ngày càng cao. Nhiều khách hàng, đặc biệt là doanh nghiệp lớn thường ưu tiên lựa chọn đối tác vận tải có hệ thống vận hành chuyên nghiệp và chuỗi cung ứng dịch vụ đầy đủ, linh hoạt. Thế nên, phát triển các dịch vụ giá trị gia tăng có mối liên kết chặt chẽ với dịch vụ chính là giải pháp mà các doanh nghiệp vận tải Bắc Nam cần thực hiện nếu không muốn bị đào thải trong cuộc cạnh tranh về chất lượng dịch vụ này.
Thị trường vận tải luôn tồn tại sự cạnh tranh, môi trường kinh doanh cũng luôn có sự thay đổi khi nhu cầu khách hàng ngày càng tăng và cũng yêu cầu cao hơn về chất lượng dịch vụ, giá cả. Chỉ có không ngừng hoàn thiện để đáp ứng các thay đổi và nâng cao năng lực cạnh tranh, doanh nghiệp vận tải Bắc Nam mới có thể nâng cao uy tín của thương hiệu và phát triển một cách bền vững.