Quảng Nam: Nhiều hạn chế trong bảo trì đường bộ

Công tác bảo trì đường bộ (BTĐB) trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đang bộc lộ nhiều hạn chế do nguồn lực ít ỏi, khâu giám sát chất lượng duy tu, bảo dưỡng chưa sâu sát, nhất là ở cơ sở.

Hiệu quả bước đầu

Sau nhiều năm khai thác, các công trình đường bộ cần phải được bảo trì theo yêu cầu kỹ thuật, UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã quan tâm bố trí kinh phí cho hoạt động trên. Tuy nhiên, nguồn lực này chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, một số tuyến giao thông xuống cấp nghiêm trọng không thể khắc phục được làm ảnh hưởng lớn đến việc bảo toàn nguồn vốn đầu tư xây dựng. Với ngân sách hạn chế, Quảng Nam cần có sự chia sẻ từ phía các bộ ngành và Quỹ BTĐB Trung ương. Giám đốc Sở Giao thông vận tải Nguyễn Văn Nhân – Phó Chủ tịch Thường trực hội đồng quản lý, Giám đốc Quỹ BTĐB tỉnh cho hay, từ năm 2013 đến 31/12/2015, tổng kinh phí mà đơn vị huy động, tiếp nhận là 156,6 tỷ đồng. Trong đó, giải ngân thanh toán đạt 151,6 tỷ đồng, chuyển 5 tỷ đồng sang năm 2016. Đến thời điểm này của năm 2016, tổng kinh phí tiếp nhận 66,1 tỷ đồng và giải ngân thanh toán 65,8 tỷ đồng.

Một đoạn ĐT609B xuống cấp nghiêm trọng, trong khi kinh phí chỉ đủ “vá” bằng đá cấp phối

Theo các nhà chuyên môn, nguồn kinh phí tiếp nhận vừa nêu còn khá khiêm tốn so với nhu cầu thực tế, song hoạt động của quỹ đã tạo điều kiện cho Quảng Nam tranh thủ được nguồn vốn của Quỹ BTĐB Trung ương. Cho nên, hiệu quả bảo trì kết cấu hạ tầng nâng cao hơn, kịp thời khắc phục, sửa chữa hư hỏng trên các tuyến giao thông đường bộ, phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân. Tình trạng xuống cấp nghiêm trọng của hệ thống tỉnh lộ (ĐT), huyện lộ (ĐH), đường xã (ĐX) và giao thông nông thôn trên địa bàn các huyện, thành phố, thị xã (ĐT, ĐH, ĐX có tổng số hơn 2.909km) dần được hạn chế. Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Hồng nhận xét, chuyển biến rõ nét nhất là về tư duy dám nghĩ dám làm của người có trách nhiệm. Ông Võ Hồng nhắc lại mốc năm 2013, tỉnh quyết định vay hàng trăm tỷ đồng để nâng cấp mặt đường các tuyến ĐT và được nhân dân đồng tình ủng hộ, lưu thông thông suốt trở lại. Chất lượng và số lượng duy tu, bảo dưỡng ngày càng nâng lên và được đúc kết với “3 giảm, 3 tăng”. Theo ông Võ Hồng, “3 giảm” là giảm tai nạn giao thông, giảm thời gian đi lại và giảm chi phí đầu tư xây dựng mới; còn “3 tăng” là tăng độ an toàn, tăng hiệu quả sử dụng, tăng tuổi thọ công trình.

Nhiều hạn chế

Từ khi thành lập quỹ, kinh phí (nhất là từ Quỹ BTĐB Trung ương) cho bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông tăng đáng kể. Đánh giá tốt về hiệu quả sử dụng nguồn vốn bảo trì, nên năm 2016 Quỹ BTĐB tỉnh là một trong 5 đơn vị của cả nước được Quỹ BTĐB Trung ương giới thiệu đơn vị Tư vấn ICT (Ấn Độ) về làm việc để lấy ý kiến xây dựng đề án hoạt động thống nhất chung của các quỹ trên phạm vi quốc gia. Song có thể thấy, nguồn vốn cho hoạt động vừa nêu, đặc biệt là duy tu thường xuyên dù đã bổ sung nhưng vẫn còn khá thấp. Được biết năm 2016, trung ương chỉ bố trí 10,577 tỷ đồng để sửa chữa thường xuyên 357km thuộc 5 tuyến quốc lộ ủy thác. Để vét mương, rãnh thoát nước; sơn sửa lại cọc tiêu, biển báo, phát quang bụi rậm… cả 16 tuyến ĐT suốt 12 tháng, tỉnh nỗ lực hết mức cũng chỉ cấp được khoảng 7,8 tỷ đồng cho chiều dài 361,5km. Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn Trần Úc – thành viên Ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh bổ sung thêm: các năm trước, địa phương thu phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô rồi để lại toàn bộ cho các xã, phường. Cùng với kinh phí BTĐB được cấp, các xã, phường phát động toàn dân đồng loạt ra quân “Tháng bảo trì đường giao thông” vào tháng 6 khá hiệu quả. Nay nguồn thu xe mô tô không còn, hoạt động bảo trì cho khoảng 800km đường địa phương chắc chắn sẽ gặp khó khăn.

Bên cạnh đó, đại diện Quỹ BTĐB tỉnh Quảng Nam phản ánh các tuyến đường được phân cấp cho địa phương quản lý chưa thật sự hiệu quả, chưa đồng bộ, một số địa phương thì đủng đỉnh trong duy tu, bảo dưỡng. Tại buổi giám sát nêu trên, nhiều thành viên Ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh đã bày tỏ lo ngại về khâu quản lý, giám sát về tính hiệu quả khi sử dụng nguồn lực, chất lượng triển khai BTĐB ở cơ sở. Có thành viên dẫn chứng, chủ thầu nọ thuê lại người đàn ông bản địa sửa chữa một hạng mục đường bộ bị xuống cấp thuộc tuyến đường địa phương. Theo thỏa thuận miệng, giá trị thực hiện khoảng 20 triệu đồng. Đến lúc làm thủ tục thanh toán, chủ thầu lại đề nghị ông ta ký vào giấy tờ liên quan lên tới 50 triệu đồng khiến người này rất bức xúc. “Phải chăng có sự thất thoát trong quá trình triển khai ở cơ sở, trước sự buông lỏng của người có trách nhiệm” – một thành viên Ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh đặt vấn đề.

Hiện nay, một số địa phương hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn vốn của Quỹ BTĐB tỉnh, chưa có kế hoạch bố trí từ ngân sách để bổ sung thêm cho bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ tại chỗ. Ông Nguyễn Văn Nhân cho biết thêm: “Các địa phương thường xuyên chậm trễ thông tin, báo cáo về quỹ nên làm hạn chế công tác phối hợp thực hiện, gây khó khăn khi tổng hợp báo cáo, cấp phát kinh phí và khắc phục hạn chế vấp phải”. Để BTĐB đi vào khuôn khổ, đảm bảo đồng bộ và hiệu quả, người có trách nhiệm cần đưa ra giải pháp huy động nguồn lực từ trong dân, ít nhất là ngày công để sửa chữa đường sá phục vụ lại chính họ. Bởi hiện nay, phần lớn người dân nghĩ rằng sửa chữa đường sá hư hỏng là chuyện của nhà nước và thiếu ý thức bảo vệ, giữ gìn. “Phải xem thực trạng đó là hồi chuông báo động ở các địa phương” – ông Võ Hồng cảnh báo.

Trả lời