Nằm ở trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Đà Nẵng là cầu nối giữa các tỉnh trong khu vực và 2 miền Nam Bắc. Bên cạnh đó, Đà Nẵng còn là điểm đầu của hành lang kinh tế Đông Tây, nơi kết nối giao thương giữa Việt Nam với các nước trong khu vực Asian và thế giới. Với điều kiện thuận lợi, Đà Nẵng có tiềm năng để trở thành trung tâm vận tải hàng hóa lớn nhất miền Trung và cả nước.
Là một trong ba trung tâm kinh tế, sản xuất lớn nhất cả nước, nhu cầu vận chuyển hàng đi Đà Nẵng từ các tỉnh, đặc biệt là Hà Nội và TPHCM là rất lớn. Nhờ địa thế giao thông nằm dọc quốc lộ 1A, việc vận chuyển hàng hóa đi Đà Nẵng vô cùng thuận lợi.
Việc nằm ở vị trí quan trọng trên tuyến đường hành lang kinh tế Đông Tây cũng mang đến những cơ hội lớn cho Đà Nẵng. Thành phố sẽ là cầu nối giao thương, cũng có thể là trung tâm kho vận của hàng hóa vận chuyển qua cửa khẩu giữa Việt Nam với các nước Lào, Thái Lan, Myanmar. Đây là tiềm năng giúp Đà Nẵng tiếp tục phát triển và trở thành trung tâm vận tải hàng hóa của khu vực. Đồng thời là đòn bẩy thúc đẩy sự phát triển của kinh tế, thương mại của thành phố và khu vực miền Trung.
Bên cạnh đó, tiềm năng phát triển ngành vận tải hàng hóa bằng đường biển của Đà Nẵng cũng rất lớn. Nằm ở trị trí giáp biển với bờ biển dài và rộng, Đà Nẵng là một trong những thành phố sở hữu cảng biển lớn nhất cả nước. Không chỉ đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa nội địa, cảng Đà Nẵng còn là trung tâm kho vận hàng hóa xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các nước trên thế giới.
Mặc dù có đủ điều kiện thuận lợi nhưng việc phát triển ngành vận tải hàng hóa của Đà Nẵng vẫn gặp phải những thách thức. Đó là sự thiếu quy mô và nhà cung ứng dịch vụ chuyên nghiệp, sự rườm rà trong các thủ tục hải quan, thủ tục hành chính và đặc biệt là chi phí kho vận.
Theo đánh giá của các doanh nghiệp, nhà đầu tư và Cơ quản quản lý Nhà nước, chi phí kho vận của Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng còn khá cao (~22%) so với nhiều nước trong khu vực và mức trung bình chung của thế giới (15%). Điều đó sẽ gây cản trở đối với sự phát triển của ngành vận tải hàng hóa nội địa và quốc tế. Ngoài ra, hầu hết doanh nghiệp ngành vận tải trong nước đều đó quy mô vừa và nhỏ, chủ yếu khai thác dịch vụ vận tải nội địa cũng là rào cản đáng lo ngại.
Vậy thì, Đà Nẵng cần phải làm gì để phát huy tiềm năng, phát triển ngành vận tải hàng hóa?
Theo ông Lê Quang Trung, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam thì việc hình thành các trung tâm kho vận có quy mô lớn và hiện đại là rất quan trọng. Các trung tâm này sẽ đóng vai trò lớn trong việc đảm bảo cung ứng các dịch vụ tiên tiến với chi phí hợp lý nhất. Mặt khác, cần có sự kết nối giữa các vùng kinh tế trong nước và sự đồng bộ trong việc cung ứng dịch vụ kho vận để tạo tiền đề cho sự phát triển của ngành vận tải.
Còn theo ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam thì việc đơn giản hóa thủ tục hải quan và thủ tục hành chính và xây dựng các khu vực kho vận có tính cạnh tranh cao sẽ tạo điều kiện để thúc đẩy sự phát triển của ngành vận tải và thương mại hàng hóa cho thành phố.
Đánh giá tiềm năng và những vấn đề còn tồn tại, Đà Nẵng đã ban hành Quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng logistic để tạo tiền đề cho sự phát triển của ngành vận tải hàng hóa trong tương lai. Theo kế hoạch đến năm 2045, Đà Nẵng sẽ xây dựng các trung tâm vận tải cấp tỉnh gồm: Trung tâm cảng Liên Chiểu, Trung tâm Hòa Nhơn, Trung tâm ga hàng hóa Kim Liên, Trung tâm Khu Công nghệ cao, Trung tâm Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng…
Ngoài ra, Đà Nẵng cũng đang từng bước đơn giản hóa các thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vận tải rút ngắn thời gian, quy trình, chi phí vận hành. Tất cả đều nhằm mục tiêu đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm vận tải và kho vận trọng điểm, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, thương mại của thành phố và khu vực miền Trung.